- Từ
ngàn xưa người dân tộc thiểu số luôn sống tập trung và có thói quen săn bắt,
hái lượm, người Jẻ-Triêng ở Kon Tum cũng vậy, ngoài làm nương rẫy ra họ xem
việc đi săn thú rừng là một hoạt động thiết yếu, dụng cụ bất ly thân chính là
dao và nỏ, ở đây chỉ nói đến bộ nỏ săn bắn. Quan niệm cho rằng người đàn ông
nào trong mỗi buôn làng không biết sử dụng nỏ thì coi như chưa trưởng thành,
những người thợ săn tài ba nhất rất được kính trọng, tuy nhiên việc sử dụng
nó rất khó chưa nói đến việc dùng để đi săn và làm ra được một chiếc nỏ nhỏ
gọn nhưng có thể săn được thú lớn không phải đơn giản.
|
- Trước
tiên là công đoạn lên rừng tìm gỗ để chế tạo cánh nỏ, việc này đòi hỏi phải thật
sự kiên nhẫn và tinh tường. Người đàn ông lên rừng chọn cho mình một cây gỗ
thật già và chỉ sử dụng lõi, người Jẻ-Triêng thường làm cánh nỏ bằng gỗ trắc
(người Xê Đăng và các dân tộc khác làm bằng một loại cây gọi là cây K’Sam,
cũng màu đỏ như gỗ trắc nhưng loại gỗ này dẻo hơn có độ đàn hồi rất tốt), sau
đó họ lấy dao chuyên dụng đẽo thành một khúc cây đều nhau dài khoảng 50cm -
90cm tùy theo độ lớn của từng chiếc nỏ cũng như sức khỏe của từng người. Dao
làm nỏ thường có một bộ gồm 3 cái một cái lớn lưỡi dài chừng 50cm, cán dài
30cm dùng để đẽo cây, dao nhỏ hơn có cán bằng mây dài khoảng 40cm dùng trong
việc làm ống đựng tên và dao nhỏ nhất lưỡi chỉ bằng ngón tay trỏ nhưng cán
lại dài hơn 40cm làm bằng cây mây dùng để vót mũi tên và dây nỏ, loại dao này
họ rèn bằng mảnh bom nhặt trên rừng nên thép rất cứng và được bảo quản cẩn
thận trong vỏ gỗ.
- Làm ra được một cánh nỏ phải trải qua sự lựa chọn rất tỉ mỉ, thanh gỗ phải là
đoạn giữa thân cây được gọt hai đầu đều nhau, sau đó lấy tâm điểm của cánh nỏ
làm điểm chuẩn vót nhỏ dần ra hai bên, đoạn cuối gọt hai khấc nhỏ bằng đốt ngón
tay dùng để móc dây nỏ, lúc này họ lấy một sợi dây cột ở giữa treo lên như
chiếc cân dây rồi từ từ chỉnh cho đều nhau đến khi hai bên phải cân xứng nằm
song song với mặt đất. Một việc nữa là tạo độ cong cho cánh nỏ, việc này rất
quan trọng vì nếu cánh nỏ không đều mũi tên sẽ đi không chính xác, người ta tạo
ra một cái khuôn bằng gỗ cũng chỉnh độ đều phải kỹ lưỡng như làm cánh nỏ, khuôn
có độ dài từ 50cm đến 1m, chiều rộng tính từ đoạn giữa là 20cm, một bên được gọt
cong hình cung rất đều, có đánh dấu ở tâm, tùy theo sở thích của mỗi người kiểu
dáng uốn lượn cũng khác nhau, một bên để thẳng và có đẽo 4 khấc ở hai đầu. Tiếp
theo họ ghép cánh nỏ đã được gọt phẳng vào khuôn sao cho tâm cánh nỏ tương ứng
với tâm của khuôn, hai bên cánh họ lấy 4 sợi dây rừng buộc ép vào khuôn mẫu cho
đến khi cánh nỏ được ôm sát vào khung, mỗi ngày họ níu 4 sợi dây rừng vào một
ít việc này phải mất hàng tháng trời cánh nỏ mới có độ cong theo ý muốn.
|
- Công
đoạn tiếp theo họ bắt tay vào làm thân nỏ (là cái báng có rãnh) có chiều dài
trung bình 30cm - 40 cm, mặt trên bè ra, phía dưới thu nhỏ lại và được chạm hoa
văn hình chữ V, thân nỏ không cầu kỳ phải lựa chọn gỗ, thường thì họ dùng gỗ
mềm dễ cho việc khoét lỗ để bỏ lẫy, nhưng đường rãnh đặt mũi tên bắt buộc phải
có độ sâu và thẳng nhất định, phía cuối đường rãnh họ mài một thanh kim loại
nhỏ bằng cái kim khâu nhưng ngắn khoảng 0,5cm gắn cố định để có thể giữ cho mũi
tên không bị rơi ra, một số người chỉ bỏ sáp ong không dùng thanh kim loại, ở
đoạn đầu họ khoét một lỗ làm sao cho bỏ lọt khít tâm của cánh nỏ, phía cuối gọt
bè ra tạo điểm tựa cho tay cầm.
- Việc
làm lẫy nỏ là yếu tố rất quan trọng không kém, nó không những phải tinh tế, cẩn
thận mà còn thể hiện được bàn tay khéo léo của người làm nỏ, họ dùng dao đục
một lỗ thông với 3 mặt của thân nỏ, tạo thành khe có một bên rộng hơn bên kia,
tác dụng để nhét lẫy nỏ vào, sau đó lấy sáp ong trộn với tro gắn chặn phía
ngoài giữ không cho lẫy bị rớt. Lẫy nỏ là một vật có hình chữ H dài 3cm, độ dày
0,3cm, đa số được làm bằng sừng hoặc xương động vật, một số thì làm bằng nhôm,
có nơi làm bằng sắt nhưng lẫy nỏ của họ hình chữ J trông như cò súng, đặc biệt
có những cây nỏ cổ của người dân tộc Jẻ- Triêng lẫy nỏ được làm bằng ngà voi.
Công đoạn làm lẫy cũng cần phải tỉ mỉ vì nếu không đủ kích thước hay độ láng,
dây nỏ sẽ bị hư hỏng nhanh và không giữ được đúng vị trí đã kéo căng, lẫy bỏ
vào nỏ có một mặt sát đều với thân nỏ không được nhô lên quá và cũng không được
thấp quá, một mặt nằm ngang phía dưới để có thể bóp cò khi bắn tên. Người có
tay nghề cao thì dây nỏ bám rất chắc vào lẫy, có thể kéo dây gắn vào lẫy và
tung lên không trung rồi bắt lại, dây nỏ vẫn nguyên vẹn trên lẫy nhưng chỉ cần
lấy hai ngón tay kéo nhẹ cò, dây sẽ bật ra đưa mũi tên đi.
- Cuối
cùng là việc làm dây, chất liệu là một loại cây gọi là Samlũ (loại cây này cùng
họ với mây nhưng dẻo hơn, thân cây có rất nhiều gai). Họ ngâm nước để tạo độ
dẻo sau đó vót cho thật nhẵn, hai đầu chẻ ra làm như hình lưỡi rắn, sau đó cắt
hai đọt cây chuối gắn ngập vào hai đầu này, để chừng một giờ đồng hồ cho nước
đọt chuối ngấm vào, lúc này hai đầu rất dẻo và vặn như vặn lạt gói bánh chưng,
làm tơi ra lúc này bện dây vào nhau như bện tóc đuôi sam, cột một đầu vào đuôi
cánh nỏ lấy độ chuẩn, sau đó bện lại thành vòng tạo thành một móc tròn, đầu dây
bên kia cũng làm như vậy nhưng bện thu vào cách chiều dài của cánh nỏ khoảng
1cm để khi tra dây vào dây có độ căng tuyệt đối. Công việc chế tác một chiếc nỏ
để săn bắn của người Jẻ-Triêng đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lực nhưng sử
dụng và gìn giữ nó rất quan trọng không kém, một cây nỏ tốt khả năng bắn xa đến
500m. Để bảo quản, người Jẻ-Triêng có thói quen sau khi bắn xong họ thường tháo
dây ra để cánh nỏ luôn có một lực nhất định cũng là tạo cho dây nỏ không bị
giãn, nơi cất giữ duy nhất là trên giàn bếp cũng có tác dụng tránh được mối
mọt.
- Để
đi săn dài ngày, đồng bào Jẻ-Triêng chuẩn bị rất nhiều mũi tên, vì vậy việc làm
hộp đựng tên là rất cần thiết nhưng phải đảm bảo được độ kín giữ cho mũi tên
luôn luôn thẳng và không bị mất. Hộp đựng tên thường làm bằng lồ ô già, người
ta chọn một đoạn thân cây thật tròn và thẳng có 2 đầu mắt bịt kín, đường kính
ống khoảng 10cm, chiều dài ống khoảng 50cm, họ cắt thành 2 khúc, khúc ngắn hơn
dùng làm nắp đậy. Sau đó dùng dao gọt một đầu cho nhỏ tạo miệng ống, sau đó lấy
một vật tự chế bằng kim loại có đầu nhọn bẻ vuông góc với thân cho vào phía
trong ống làm nắp, gọt xung quanh làm sao khi úp vào nhau nắp và ống thật khớp.
Công việc nữa rất quan trọng đó là phải gọt hết lớp vỏ lụa ngoài của thân cây
lồ ô, việc này có tác dụng khi bỏ trên gác bếp, khói sẽ nhanh ngấm sâu vào
thân, khi đã đạt được độ khô nhất định họ lấy dây mây rọ lại ống nắp theo kiểu
tết sam, giữ cho ống không bị nứt.
- Đó
là các bước để có một ống tên theo ý muốn, tuy nhiên ở đồng bào người Jẻ-Triêng
có một điểm đặc biệt quan trọng và đáng chú ý đó là ống đựng tên thường có bọc
một đoạn đuôi của một con vật được săn về, thường là đuôi Sơn dương hoặc nai,
hoẵng. Con vật được cắt bỏ đoạn đuôi, lột lấy da và nhét phần ống tên vào, đoạn
phía gần miệng ống được dùi những lỗ nhỏ xung quanh rồi lấy những đoạn tre dài
1cm có đầu nhọn chêm gắn liền da với ống lại với nhau như ta chêm mặt trống,
phía cuối ống tên, dùng dây mây quấn túm lại giữ không cho da bị nhăn, sau đó
đem đi hun khói, một thời gian sau da và ống gần như ôm khít vào nhau trông rất
thẩm mỹ và chắc chắn. Ngoài ống họ có gắn thêm một ống lồ ô nhỏ bằng ngón tay, chiều
dài bằng đoạn ống dưới, tác dụng bỏ mũi tên dự phòng trước khi bắn. Thường thì
những ống tên có bọc da kiểu này họ chuyên để đựng những mũi tên tẩm thuốc độc
để săn thú lớn.
- Trong
hoạt động dùng nỏ săn bắn của người Jẻ-Triêng, rất nhiều điều chúng ta luôn
thắc mắc đó là tại sao chỉ cần một đoạn cây mây (samlũ) có thể trở thành một
sợi dây nỏ vô cùng dẻo dai đến thế và tại sao họ không dùng những dây khác như
bện dây dừa hay ruột mèo như những nơi khác thường làm,... Nói tóm lại là cũng
từ kinh nghiệm, từ những dụng cụ thường có sẵn trong tự nhiên nơi họ đặt chân
đến, họ có thể thay thế dây bất cứ lúc nào cần. Một điều ngạc nhiên hơn cả đó
là tại sao một vật nhỏ bé như vậy lại có thể giết được một con thú lớn cả trăm
kilogam, điều này là nhờ vào những mũi tên, đầu mũi tên được tẩm một thứ thuốc
gọi là thuốc độc nhưng con người có thể ăn thịt thú mà không bị ảnh hưởng đến
sức khỏe.
- Trước
tiên phải nói đến việc vót tên, mũi tên của người đi săn thường thẳng tắp, được
lựa chọn từ những thân tre già nhất, vót thật nhẵn hình bầu dục, trên dưới thân
phải tạo độ vát để có thể gắn khớp vào rãnh nỏ, mũi tên thường có độ dài bằng ½
cánh nỏ, đoạn cuối có gắn một đoạn lá cọ đã được xé đều khoảng 1cm xếp hình
thoi tạo cho mũi tên không bị lệch hướng. Việc quan trọng nhất đó là đầu mũi
tên, tùy thuộc vào từng chuyến đi săn, săn sóc, chuột có thể vót thông thường
cho thật nhọn, đi săn thú lớn hơn một chút thì vót như kiểu đầu nhọn to dần để
khi tên găm vào con vật bị vướng rất khó chạy, đặc biệt mũi tên sẽ không bị rơi
ra. Để săn thú hung dữ hơn, bắt buộc phải có đầu tên tẩm thuốc độc, đầu mũi tên
có thể bằng đá hoặc bằng sắt được mài nhọn hai bên có hai móc, ở giữa dài ra
gắn vào thân mũi tên tre. Khi con vật trúng tên nhưng vẫn chạy được, thân và
cánh mũi tên có thể rơi ra nhưng đầu mũi tên độc nằm sâu dưới lớp da, người thợ
săn lần theo dấu vết đến khi con vật bị đầu tên thuốc độc làm tê liệt, vết
thương bị phân hủy lúc đó con vật không còn sức để chạy, việc đi săn này thường
phải mất rất nhiều thời gian của người Jẻ-Triêng.
- Cuối
cùng là chúng ta tự hỏi, vậy thuốc độc họ làm như thế nào và làm từ chất gì mà
con người ăn thịt động vật trúng độc mà vẫn không có gì xảy ra?! Có những điều
vô cùng bình thường và gần gũi quanh ta nhưng chỉ có những người thợ săn chuyên
nghiệp của núi rừng mới nhận thấy được. Thuốc để tẩm mũi tên thường làm bằng
một loại lá (gọi là Lanauobor) và rất nhiều thứ khác, nhưng người đồng bào
Jẻ-Triêng lại có cách làm thuốc độc đơn giản hơn. Trong cuộc sống giữa con
người với thiên nhiên, họ nhận thấy có những động vật tiết ra những chất độc
rất nguy hiểm khi chúng cắn vào cơ thể người như rắn, rít, ong vò vẽ v.v.. và
họ chợt nghĩ sao ta không thử lấy chất độc từ con người như nước bọt chẳng hạn.
Ta thấy rằng, người Jẻ-Triêng họ làm thuốc độc tẩm vào mũi tên săn bắn của mình
từ nước bọt con người. Cách tạo ra một lọ thuốc độc cho mũi tên là mỗi sáng
thức dậy khi chưa giao tiếp với ai, họ nhổ một ít nước bọt vào lọ và cứ thế
hàng tháng trời, mỗi buổi sáng một ít họ sẽ có một lọ nước rất độc mà không cần
pha chế hay lấy từ bất cứ nơi nào về.
- Còn
rất nhiều điều để chúng ta phải tìm tòi nghiên cứu trong cuộc sống cũng như
trong văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Jẻ-Triêng. Có một điểm rất đặc biệt
đối với những người thợ săn Jẻ-Triêng đó là mỗi lần bắt được một con thú bất kể
nhỏ hay lớn, họ đều dùng máu và ít lông của con thú đó bôi lên cánh nỏ, nên có
những cây nỏ cổ hiện nay vẫn còn một lớp trông như lớp nhựa trộn với lông thú
bám chặt vào nỏ. Họ xem cây nỏ như một vị thần linh đi theo để bảo vệ và nuôi
sống cả gia đình họ, nên khi săn được một con thú, được thưởng thức đầu tiên
chính là chiếc nỏ, như thể hiện một sự tôn kính với bề trên của mình. Hàng năm,
ngành văn hóa-thể thao Kon Tum thường tổ chức rất nhiều cuộc thi bắn nỏ được
diễn ra trong toàn tỉnh, thường số điểm cao nhất vẫn nằm trong danh sách những
chàng trai Jẻ-Triêng.
- Minh Đức chân thành cảm ơn quý Cô, Bác, Anh,
Chị, Em đã xem blog.
Blogger Nguyen Minh Duc |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét