Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Kiếm Truyền Ngôi Của Vương Triều Nguyễn

- Theo truyền thuyết, kiếm có từ thời nhà Chu, đến thời Xuân Thu Chiến Quốc thì trở nên thịnh hành.
+ Ở Trung Quốc, năm 1965 khai quật khu mộ ở Giang Lăng, tìm thấy một thanh kiếm bằng đồng. Kiếm được đặt trong bao bằng gỗ sơn mài. Rút kiếm ra khỏi bao, thanh kiếm gần như còn sắc bén và sáng bóng. Trên một mặt kiếm có 2 dòng chữ cổ gồm 8 chữ “ Việt Vương Câu Tiễn tự tác dụng kiếm”.
+ Đai giữa lưỡi và chuôi kiếm có hoa văn, nạm ngọc xanh lam. Lưỡi kiếm được vuốt nhỏ dần từ chuôi đến mũi. Năm 1983, đào được ngọn giáo của Ngô Vương Phù Sai. Đây là những thanh kiếm cách ngày nay hơn 2.000 năm.
+ Theo nhiều tài liệu của các nhà nghiên cứu, người Nhật có truyền thống rèn kiếm từ lâu đời. Kiếm, ngọc, và gương là 3 bảo vật truyền quốc của người Nhật, được coi như biểu chương của Hoàng gia và cũng là những linh vật trong thần đạo. Đầu công nguyên người Nhật đã dùng kiếm với lưỡi thẳng và dài khoảng 80 cm. Đến thế kỷ thứ 8, 9 người Nhật bắt đầu làm kiếm có hình thù cong ở gần cán rồi dần dần cong hoàn toàn.
+ Chính người Nhật tìm ra cách đúc kiếm nhiều lớp bằng cách rèn dài và mỏng phôi sắt sau đó cắt đôi, nung lên rồi chập hai nửa lại tiếp tục rèn. Cứ làm đi làm lại nhiều lần như vậy, khiến lưỡi kiếm được cấu thành từ rất nhiều lớp thép, tạo sự dẻo dai và cứng rắn.
+ Công việc mài kiếm hay đánh bóng gồm 13 giai đoạn cùng 13 loại đá khác nhau, 13 động tác khác nhau trong 120 giờ đồng hồ để cho ra thanh kiếm láng bóng. 
Thanh kiếm đầu rồng
Thanh kiếm truyền ngôi của Vương Triều Nguyễn
- Ở Việt Nam, truyền thuyết về bảo kiếm, bảo đao ít người nói tới. Những bảo kiếm trong lịch sử Việt Nam ít đề cập đến sự sắc bén mà chủ yếu nói về giá trị pháp lý, tượng trưng cho một triều đại hay uy quyền. Kiếm Việt Nam khác kiếm Trung Hoa ở chỗ kiếm Trung Hoa 2 lưỡi còn kiếm Việt giống con dao dài với một bên là lưỡi và một bên sống, đầu hơi cong lên được gọi là gươm.
- Trong bộ sưu tập Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLSQG), ngoài 4 mũ triều phục, còn có bộ sưu tập Bảo kiếm của vương triều. Đây cũng là loại hình đặc biệt, bởi đó không phải loại kiếm thông thường, mà là kiếm trong cung vua. Kiếm với nhiều loại hình, nhiều kiểu dáng, nhiều cách trang trí độc đáo bằng nhiều chất liệu quí hiếm như vàng, bạc, ngọc, ngà, đá quí
- Bộ sưu tập Bảo kiếm vua triều Nguyễn tại BTLSQG, hiện còn lưu giữ 7 cái. Hầu hết các kiếm đều có chiều dài 80 cm với hình thức trang trí và các bộ phận trên kiếm hoàn toàn giống nhau. Cụ thể, các kiếm đều có chuôi được làm từ một miếng ngọc nguyên khối. Đuôi kiếm gắn ở cuối chuôi ngọc bằng vàng hình đầu rồng có chạm nổi bờm ở đỉnh đầu và gáy.
- Hai bên mép là hai râu dài, nhọn và sắc chạy về phía cổ. Miệng rồng ngậm đuôi con mãng xà. Hình tượng con mãng xà bằng vàng đang gồng mình trườn khỏi hai hàm răng cắn chặt của con rồng, nối liền đai với đuôi kiếm, tạo thành vòng ôm bàn tay nắm chuôi kiếm.
- Trên thân và đầu mãng xà có hoa văn chạm nổi hình hoa lá cách điệu, tạo thành vây, vẩy dữ tợn. Đai chắn giữa lưỡi và chuôi kiếm cũng bằng vàng, nhô cao khỏi chuôi 2,5 cm. Lưỡi kiếm bằng sắt (một bên lưỡi , một bên sống) cong dần về phía sống và được vuốt nhỏ dần từ chuôi tới mũi. Vỏ kiếm được làm từ một loại gỗ thơm, ôm khít lưỡi kiếm. Ngoài lớp gỗ là lớp vỏ đồi mồi có hoa văn đẹp. Đan xen giữa lớp vỏ đồi mồi là 3 đoạn trang trí bằng vàng, có hoa văn chạm nổi hình rồng cách điệu trong vầng mây và hoa lá.
- Trong 7 chiếc kiếm này đặc biệt nhất phải kể đến thanh “An dân bảo kiếm”. Chuôi của thanh kiếm này được làm bằng vàng, hình hộp chữ nhật. Mặt hộp chữ nhật phía ngón tay cái khi cầm có dòng chữ hán An dân bảo kiếm. Bao xung quanh dòng chữ này là 16 hạt safia nằm trong ổ bằng vàng. Đối xứng bên kia là con rồng (chân 5 móng) đúc nổi chạy dọc theo chuôi.
- Mặt hộp chữ nhật ở phía dưới cũng là 7 viên đá safia gắn trong ổ bằng vàng. Ở sát đai kiếm là một dây hoa lá chạy vòng quanh. Đai kiếm là tấm chắn bằng vàng dày 5mm hình ô van gắn liền với một mũi lao, có đuôi hình ngọn lửa 6 cánh. Nằm chính giữa hình ô van là con rồng ổ rất hung dữ. Đầu rồng ổ đúc nổi, miệng bạnh để lộ hai hàm răng. Từ mép có hai râu dài cong vút ra phía sau.
Thanh kiếm đầu rồng
Báu vật truyền ngôi của Vương Triều Nguyễn
- Vòng quanh hình ô van là 15 ổ vàng gắn đá safia. Đuôi kiếm hình đầu rồng, chạm khắc nổi các bờm, râu  rồng. Lưỡi kiếm bằng sắt, dài, thẳng đều và được mài nhọn ở mũi. Vỏ kiếm lớp trong cùng bằng gỗ thơm. Ở phía ngoài có 2 đoạn bọc đồi mồi và 3 đoạn bọc vàng. Cụ thể, đoạn bọc vàng ở phía chuôi và ở giữa kiếm daì 15cm. Đoạn ở phía mũi kiếm dài nhất (khoảng 20cm). Trên các đoạn bọc bằng vàng có hoa văn dập nổi hình tượng người đang nhảy múa và cỏ cây hoa lá. Những hình ảnh này tạo nên một không khí nhộn nhịp hân hoan của những năm tháng thái bình thịnh vượng của vương triều.
- Một cặp kiếm khác  mộc mạc, đơn giản hơn, dài 102cm. Chuôi kiếm bằng ngà, các chi tiết ở chuôi đều bằng bạc. Đuôi kiếm là hình tượng đầu rồng bằng bạc. Nhìn tổng thể, mô típ rồng ở các đuôi kiếm cơ bản giống nhau. Nhưng các đầu rồng bằng bạc ở hai kiếm này miệng hơi há để lộ hai hàm răng. Bờm ở trên đỉnh đầu, ở mang tai được chế tác không cầu kỳ như đầu rồng bằng vàng. Râu rồng lượn vút lên và cuộn tròn ở cuối. Khoảng cách từ cổ đến miệng rồng cũng ngắn hơn rồng bằng vàng.
- Đai chắn giữa lưỡi và chuôi kiếm bằng miếng bạc dẹt, độ dày 2,5 mm có hình con rắn không hoa văn. Vỏ bao kiếm có cấu tạo hai lớp. Trong cùng là lớp gỗ thơm. Bên ngoài có hai đoạn bằng đồi mồi và ba đoạn bọc bạc. Điểm khác biệt của hai kiếm này là vỏ bao kiếm được vuốt cong vút từ 2/3 trở về mũi kiếm. Lưỡi kiếm bằng sắt  được vuốt cong dần về phía lưng và nhỏ dần từ chuôi đến mũi.
Thanh kiếm đầu rồng
Chuôi của thanh An Dân Bảo Kiếm
- Còn những thanh bảo kiếm khác không thể  là kiếm trận. Bởi lẽ, chuôi kiếm được làm bằng ngọc hoặc ngà và có gắn nhiều vàng bạc, đá quí, được trang trí cầu kỳ. Bao kiếm cũng bằng những vật liệu quí hiếm. Rõ ràng đây là những bảo kiếm để biểu thị quyền uy của vương triều và là vật báu truyên ngôi của triều Nguyễn.
Tuy nhiên, tất cả các thanh bảo kiếm vừa kể trên đều bị hư hỏng nặng phần vỏ bao. Đặc biệt lớp gỗ  bị mối  mục hết và các đoạn đồi mồi bị hư hỏng nhiều. Bởi trong điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, những bảo vật này không được bảo quản trong môi trường có nhiệt độ, độ ẩm thích hợp. Suốt trong những năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cả sưu tập Bảo vật triều Nguyễn cũng phải di dời đi nhiều nơi cất dấu. Vì vậy những phần của bảo vật bằng chất liệu hữu cơ như gỗ, vải, đồi mồi… đều bị hư hỏng.
- Xung quanh cổ vật cung đình nhà Nguyễn, có nhiều câu chuyện và nhiều tài liệu còn nêu lên nhiều ý kiến khác nhau. Câu chuyện Quốc ấn bằng vàng, có tài liệu ghi “Nguyễn triều chi bảo”, nặng 13 kg bằng vàng ròng ( vàng 10 ) nhưng có tài liệu lại ghi “ Hoàng Đế chi bảo” và nặng gần 10,5 kg.
- Rồi chuyện một thanh kiếm của triều Nguyễn có chuôi nạm ngọc. Vỏ kiếm có chữ “Khải Định niên chế”. Thanh kiếm này cùng với Nguyễn triều chi bảo ở trên được trao lại cho chính Chính phủ Việt Minh khi vua Bảo Đại thoái vị… Về sau người Pháp trả lại cho cựu Hoàng… Đây toàn là những câu chuyện “ nghe nói”, còn thực hư không ai khẳng định.
- Tương tự, chuyện chiếc nghiên mực “ Tức Mạc hầu” của vua Tự Đức, bằng đá Đoan Khê của Quảng Đông. Khi cần gấp mực thì nhà vua chỉ việc hà hơi lên mặt nghiên là có mực ngay. Đây được xem là chiếc nghiên “Như ý” là bảo bối của vua Tự Đức. Xoay quanh câu chuyện nghiên mực này cũng rất nhiều ý kiến.
- Cũng như vậy, cả bộ sưu tập Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn đang lưu giữ tại BTLSQG, khi dần dần được hé lộ qua các cuộc trưng bày giới thiệu. Và nhất là sau khi đoàn cán bộ của BTLSQG vào Huế  khảo sát, nghiên cứu để phục vụ cho việc phục hồi các mũ vương triều, có dịp gặp và trao đổi thêm một số thông tin về bộ sưu tập Bảo vật Hoàng cung đang lưu giữ tại bảo tàng,  nhiều người nghiên cứu về Huế mới phần nào hiểu, lý giải  được những câu chuyện như “khoảng tám tạ vàng bạc, ngọc ngà  châu báu” của triều đình nhà Nguyễn hiện đang ở đâu.
- Qua bài giới thiệu này tôi muốn góp thêm tiếng nói về những Bảo vật quốc gia đang được Nhà nước quản lý, bảo quản một cách tốt nhất, an toàn nhất. Hiện nay bộ sưu tập Bảo vật Hoàng cung đang được BTLSQG bảo quản trong môi trường có nhiệt độ, độ ẩm ổn định quanh năm. Những bảo vật hư hỏng nặng đang từng bước xử lý bảo quản một cách khoa học.
- Trong tương lai không xa, khi nhà Bảo tàng Lịch sử Quốc gia xây dựng xong, những Bảo vật cung đình triều Nguyễn sẽ được trưng bày giới thiệu để đông đảo công chúng khắp mọi miền Tổ quốc, du khách quốc tế đến chiêm ngưỡng. Qua đó, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong con mắt người nước ngoài ngày càng được nâng lên.
- Minh Đức chân thành cảm ơn quý Cô, Bác, Anh, Chị, Em đã xem Blog.
Nguyễn Minh Đức
Bogger Nguyễn Minh Đức




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét